15 thg 7, 2012

Viêm loét đại trực tràng chảy máu: Dễ chẩn đoán nhầm, vì sao?

Chia sẻ bài viết này:

Viêm loét đại trực tràng chảy máu thường xảy ra ở người trẻ nhưng chưa xác định được rõ ràng căn nguyên của bệnh nên việc điều trị còn gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, bệnh còn cần chẩn đoán phân biệt với một số bệnh đường tiêu hóa khác như bệnh Crohn, viêm đại tràng mạn tính do nhiễm khuẩn và ký sinh trùng, viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ hay do tia xạ… và để lại nhiều biến chứng như áp-xe hậu môn, hẹp đại tràng, ung thư hóa...



Bệnh Crohn dễ chẩn đoán nhầm với viêm loét đại trực tràng chảy máu.


Mỗi thể bệnh có những biểu hiện
khác nhau

Nổi bật và thường gặp nhất trong viêm loét đại trực tràng chảy máu là đau bụng và tiêu chảy phân máu, kèm theo sốt và sút cân. Tùy từng giai đoạn mà có các biểu hiện khác nhau, thông thường người ta chia làm 3 thể:


Thể nhẹ:
là thể thường gặp chiếm trên 60% trường hợp, triệu chứng đại tiện nhầy máu chỉ kéo dài dưới 4 ngày, không có thay đổi thể trạng, không có thiếu máu hoặc giảm protein máu. Bệnh thường chỉ khu trú ở trực tràng hoặc đại tràng sigma, hiếm khi có tổn thương cao hơn ở phía trên. Các biểu hiện ngoài ruột là rất hiếm. Thể này cũng có thể diễn tiến thành thể nặng hơn.


Thể trung bình:
chiếm khoảng 25% trường hợp, các đợt tiêu chảy thường khởi đầu bằng đau quặn bụng, rồi đại tiện phân máu, có thể xảy ra vào ban đêm nhưng số lần đại tiện thường dưới 6 lần/ngày. Thường kèm theo sốt, giảm protein máu, làm bệnh nhân mệt mỏi. Tiên lượng trong thể này kém hơn.


Thể nặng hoặc thể sét đánh:
chiếm khoảng 15% trường hợp, số lần đại tiện phân máu hơn 6 lần/ngày và thường xảy ra về ban đêm. Thường có cảm giác đau rát, buốt hậu môn và mót rặn. Tổng trạng suy sụp với nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, sốt cao, bụng trướng. Nếu không được điều trị thì tiến triển rất nặng đưa đến tử vong do xuất huyết trầm trọng hoặc giãn đại tràng nhiễm độc.

Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các biểu hiện đặc trưng khi nội soi đại trực tràng kết hợp với sinh thiết. Khi soi đại trực tràng cần cẩn thận không nên bơm hơi nhiều vì có thể gây thủng ruột.


Biến chứng có thể xảy ra

Các biến chứng nhẹ của ruột là giả polýp, chỉ xảy ra trong 20% trường hợp, các biến chứng ít gặp hơn là nứt hậu môn, rò và áp-xe hậu môn.

Các biến chứng nặng của ruột là chảy máu trầm trọng, hẹp đại tràng, phình đại tràng nhiễm độc, thủng và có thể đưa đến ung thư. Một số biến chứng khác như viêm đường mật, viêm khớp, hồng ban nút, viêm da mủ hoại thư, viêm xơ đường mật tiên phát, viêm thận bể thận và sỏi, trong đợt cấp nặng của viêm loét đại trực tràng chảy máu lan rộng có thể có biến chứng đông máu rải rác nội mạch.


Viêm loét đại trực tràng chảy máu có thể gây biến chứng viêm thận bể thận.


Điều trị bệnh cần kết hợp dùng thuốc và chế độ sinh hoạt hợp lý

Thông thường, trong viêm loét đại trực tràng chảy máu, các thuốc thường được dùng phối hợp là corticoid, sulfasalazin và các dẫn chất của nó, azathioprin, cyclosporin. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng, giai đoạn của bệnh, tổng trạng của bệnh nhân mà bác sĩ sẽ chỉ định dùng thuốc cụ thể. Ngoài việc sử dụng thuốc cũng cần chú ý đến chế độ ăn uống và sinh hoạt của bệnh nhân, động viên bệnh nhân bằng các liệu pháp tâm lý, trong trường hợp thiếu hụt men lactase thì không cho bệnh nhân dùng sữa, trong đợt tiến triển khẩu phần ăn cần hạn chế chất xơ.

Không dùng các chế phẩm của thuốc phiện, thuốc chống tiêu chảy và thuốc kháng cholin vì có thể gây ra phình đại tràng, đặc biệt trong trường hợp có biến chứng phình đại tràng nhiễm độc, bệnh nhân phải được theo dõi và điều trị trong trung tâm hồi sức tích cực. Viêm loét đại trực tràng chảy máu cần được theo dõi thường xuyên 6 tháng 1 lần bằng soi đại tràng và sinh thiết đại tràng và đại tràng sigma để kịp thời phát hiện giai đoạn loạn sản nặng hoặc là giai đoạn đầu của tiến triển ung thư.

Viêm đại tràng dễ chẩn đoán nhầmvới các bệnh nào?

- Viêm đại tràng mạn do nhiễm khuẩn và ký sinh trùng: thường gặp nhất là do Chlamydia, herpes và amíp, lao ruột, lỵ trực khuẩn, viêm đại tràng giả mạc do Clostridium diffcile.

- Bệnh Crohn: đây là loại bệnh có cơ chế bệnh sinh và hình thái lâm sàng rất gần với viêm loét đại trực tràng chảy máu, chẩn đoán phân biệt cần dựa vào nội soi với hình ảnh tổn thương khu trú hay nhảy cóc, nhất là sinh thiết với sự hiện diện của tế bào biểu mô khổng lồ.

- Bệnh viêm đại tràng do thiếu máu cục bộ: bệnh thường xảy ra ở người cao tuổi có dấu hiệu xơ vữa động mạch. Lâm sàng có dấu hiệu thiếu máu ruột sau khi ăn. Xác định bằng chụp nhuộm động mạch mạc treo thấy hình ảnh teo hẹp.

- Viêm đại tràng do tia xạ: tiền sử bệnh nhân có chiếu tia xạ vùng bụng nhất là hạ vị.

Tác giả bài viết : ThS. BS. Nguyễn Bạch Đằng

Chuyên mục: , , ,
Nhận xét của bạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Với các câu đố Kinh thánh, bạn nên đăng ý kiến của mình tại: "Nhận xét của bạn" ở trên.