9 thg 3, 2013

Lòng Chúa thương xót

Chia sẻ bài viết này:

Gợi ý suy niệm

Các câu mở đầu (cc. 1-3) đưa chúng ta trở lại với lời các kinh sư nhắc nhở: “Đừng có một ai đi với những kẻ gian ác, cho dù để tìm cách thuyết phục họ đi theo lề luật của Thiên Chúa”. Những người thu thuế và tội lỗi không được thuộc về cộng đoàn, vì Thiên Chúa đã ngoảnh mặt đi tránh họ; do đó, Israel cũng phải làm như thế. Như thế, cấm không được nhận lời mời đến ăn uống với những người thu thuế và tội lỗi. Vậy mà Đức Giêsu lại đón tiếp họ! Đã thế, Người lại còn ăn uống với họ, tức là làm một việc đáng trách hơn nữa, vì ăn uống với ai là kết giao, chia sẻ tình bạn, tình liên đới với người ấy. Cách xử sự này khiến người Pharisêu và các kinh sư rất khó chịu. Họ không chống Đức Giêsu bởi vì Người thương xót kẻ tội lỗi, nhưng bởi vì Người ăn uống với kẻ tội lỗi.

Tuy nhiên, Đức Giêsu đã đến để cứu tất cả mọi người; những người thu thuế và tội lỗi phải đến với Người bởi vì họ không gặp được ở nơi nào khác lời đưa lại niềm hy vọng và sự tiếp đón ân cần nhưng-không.

Dẫn nhập này đưa lại cho [các] dụ ngôn một đặc tính là biện hộ, là bào chữa cho cách xử sự của Đức Giêsu đối với người tội lỗi. Người giải thích không phải là cho những kẻ tội lỗi, nhưng cho những người “công chính” đã vấp phạm vì Người. Qua cách xử sự này, Đức Giêsu cho thấy là sự hoán cải không là điều kiện tiên quyết người ta phải có để được Thiên Chúa đón tiếp; trái lại Thiên Chúa đã thực hiện “sự hoán cải” trước, để người ta có thể lại đi vào quan hệ an bình với Ngài.

* Dụ ngôn “Người cha nhân hậu” (11-32)

Cả hai người con được nói tới chỉ là để cho người cha có cơ hội diễn tả các tâm tình của ông ra.

a) Người con thứ:

Sau khi đã nhận đủ phần gia tài, người con thứ đi đến một xứ xa xôi, hẳn là một miền đất dân ngoại. Tại đó, anh đã xài hết tiền của. Rơi vào tình trạng khốn đốn, anh phải chăn heo: đây là sự sa cơ thất thế cùng cực! Anh ta suy nghĩ. Nhưng không phải là hối hận về lối sống, không phải là tiếc nuối vì đã làm cho cha đau buồn. Anh ta chỉ tự trách là ngu ngốc chịu đói chịu khát ở đây trong khi các tôi tớ ở nhà có ăn dư thừa. Thế là để có thể trở về và được nhạn vào nhà như người làm công, anh chuẩn bị một bài “diễn từ cảm đông” để mong cha nguôi giạn: các lời lẽ hối tiếc không đi đôi với các tâm tình của anh.

Quả thật hình ảnh này không tôn vinh kẻ tội lỗi chút nào. Đây đúng là chân dung mà người Pharisêu chờ đợi.

b) Người con cả:

Lúc người con thứ trở về, người con cả đang làm việc ngoài đồng. Khi trở về, anh nhận ra trong nhà có chuyện lạ. Sau khi hỏi một người đầy tớ, anh ta hiểu chuyện; anh không thể chấp nhận được, anh nổi giận. Ta thông cảm với anh. Vì anh không chịu vào nhà, người cha đã ra gặp. Thế là anh cho tuôn ra hết những gì vẫn chất chứa tận đáy lòng: anh nói với giọng chua cay, nhưng kể ra đúng các sự việc. Theo anh, đúng là người cha đã xử sự bất công! Những người Pharisêu và các kinh sư cũng nghĩ rằng họ có lý khi tỏ ra khó chịu với Đức Giêsu.

Trước tiên người con cả nói về chính mình: “Bao nhiêu năm trời con hầu hạ cha, và chẳng khi nào trái lệnh”. Chắc chắn đấy cũng là lý tưởng của người Pharisêu và các kinh sư: “phục vụ” Thiên Chúa bền bỉ, và rất chú ý để không bao giờ vi phạm một điều răn nào.

Sau đó, người con cả nói về em với giọng hết sức khinh bỉ. Anh không gọi là “em con”, nhưng nói là “thằng con của cha đó”. Điều này cũng giống như người Pharisêu trong dụ ngôn Lc 18,10-14 nói đến “tên thu thuế kia” với giọng miệt thị.

Như thế, Đức Giêsu đã ngỏ lời với những người vẫn nghĩ rằng mình là những tôi tớ tốt lành, luôn quan tâm để không bao giờ thiếu sót một điều răn nhỏ. Khi đó, họ nghĩ họ có nhiều quyền; họ tỏ ra khó chịu, không phải đối với người tội lỗi, nhưng đối với chính Thiên Chúa vì Ngài đã đối xử với kẻ tội lỗi như vậy: Nếu như thế, sống đạo đức còn ích lợi gì? Nếu như thế, sống trung thành và vâng phục Thiên Chúa còn có ý nghĩa gì nữa?

c) Người cha:

Người cha tôn trọng tự do của các con, ông đã chia gia tài cho các con và để chúng tự do định liệu. Ông không ép người con thứ ở lại nhà. Ông cũng không tìm cách kéo nó trở về. Ông chỉ trông mong người con từng ngày, nên ngay khi anh còn ở đàng xa, ông đã trông thấy. Ông vội vã chạy ra đón con, ông cuống quýt thúc đầy tớ chuẩn bị lễ mừng. Ông chẳng màng đến bài diễn từ bần tiện của anh ta. Ở nhà có con bê béo, ông quyết định cho giết ngay để ăn mừng. Rõ ràng trong lòng ông, niềm vui đang bùng nổ. Ông chưa bao giờ thôi thương yêu con. Nó đi xa, nó đã mất; nay nó lại được tìm thấy. Quá khứ không còn gì đáng kể, Điều quan trọng là nó đã trở về!

Đã không muốn nghe lời hối lỗi của con thứ, nay người cha lại để cho người con cả tha hồ nói lên những tâm tình chua chát. Sau đó, ông đã trả lời với giọng dịu dàng âu yếm. Qua lời ông nói, người con cả chẳng còn lý do gì mà nói rằng cha xử bất công với mình nữa. Nhưng ông tế nhị điều chỉnh: “vì em con đây…”. Nếu cha đã sung sướng đến thế khi gặp lại con, lẽ nào người anh lại không vui sướng khi gặp lại em?

Chúng ta không bao giờ biết được phản ứng sau đó của người con cả (nghe theo đề nghị của cha? Đi vào nhà và chào em? Đi vào ăn tiệc chung vui?). Chúng ta cũng không biết người con thứ được sống theo chế độ nào, anh ta sẽ đáp lại thế nào. Dù sao, toàn chương 15 giống như một bài ca chan hòa niềm vui được tấu lên để mừng niềm hạnh phúc của người đã tìm lại được điều mà họ đã mất.

+ Kết luận

Đoạn Tin Mừng giới thiệu người cha như một biểu tượng về chính Thiên Chúa. Tình thương vô điều kiện và lòng thương xót của Ngài được tỏ ra không những đối với người tội lỗi hoán cải mà cả đối với kẻ chỉ trích vì không hiểu biết và thiếu thông cảm. Thiên Chúa mời gọi mọi người hoan hỷ khi người tội lỗi trở lại. Bởi vì lời mời gọi này được Đức Giêsu truyền đạt, và chính Người đã đón tiếp những người tội lỗi, ta hiểu là Người mời gọi mọi người hoan hỷ với Người. Nếu dụ ngôn nói với chúng ta về niềm vui của Thiên Chúa, thì lại chính là Đức Giêsu phác ra trong dụ ngôn đó cách thức hành động của chính Người. Có một sự đồng hóa ngầm giữa hành vi của Thiên Chúa và của Đức Giêsu. Trong khi thi hành sứ vụ, Đức Giêsu chính là Đấng đã diễn tả niềm vui và lòng thương xót của Thiên Chúa ra cho loài người.

Chuyên mục: , ,
Nhận xét của bạn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Với các câu đố Kinh thánh, bạn nên đăng ý kiến của mình tại: "Nhận xét của bạn" ở trên.